TIN TỨC

 Sáng 19/07/2020 Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức buổi báo cáo Chuyên đề “Lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh hội nhập” đây là hoạt động nằm trong chương trình đào tạo thạc sĩ của Nhà trường,với sự tham gia của Ông Bùi Đình Tuấn – Chủ tịch HĐQT,TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần khách sạn Hải Âu (Novotel Hạ Long Bay) và PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cùng học viên các lớp cao học EMBA và Luật kinh tế. 

Tại buổi báo cáo chuyên đề ông Bùi Đình Tuấn đã có rất nhiều chia sẻ được đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân, sự chiêm nghiệm qua quá trình công tác, lãnh đạo nhiều năm trên nhiều vị trí khác nhau và thành quả thu được từ thói quen và niềm đam mê đọc sách của mình, từ đó ông chắt lọc rất nhiều tri thức đa lĩnh vực ứng dụng vào công việc. Ông Bùi Đình Tuấn cho rằng, mỗi một người cần hoạch định cho mình các kế hoạch của tương lai và đặc biệt với một nhà lãnh đạo, quản lý càng cần phải có tầm nhìn xa không phải chỉ 5 năm, 10 năm mà nên là 20 năm; Luôn quan tâm đến những mục tiêu dài hạn để hành động, chứ không chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, đồng thời luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích của cá nhân. 

Trong thời gian làm lãnh đạo ông đã đối diện với 3 cuộc khủng hoảng kinh tế. Với mỗi cuộc khủng hoảng phải tìm ra cách làm khác nhau để vượt qua. Tuy nhiên khi giải quyết vấn đề lao động người lãnh đạo phải lấy con người làm trọng tâm, không chỉ nhìn vào NLĐ mà nhìn thấu cả gia đình họ; Vì mỗi quyết định của người quản lý đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người lao động và gia đình của họ, đồng thời cũng phải ‘hy sinh” quyền lợi của cá nhân mình thì mới đạt được mục tiêu. Trong sự nghiệp kinh doanh của nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đạt được các bước phát triển và có thể gặt hái rất nhiều thành công. Tuy nhiên, theo ông Bùi Đình Tuấn, nhà lãnh đạo không thể “ngủ quên” trên những thành công đó, cần biết “buông bỏ”, tự vượt qua những “chống chếnh” của thành công ngắn hạn để xác định đúng tầm nhìn dài hạn và kiên định với định hướng, tầm nhìn dài hạn đó để vững tin vào thành công của bản thân mình và nhìn thấy giá trị của thành công là đóng góp được nhiều lợi ích cho phát triển xã hội.

Đặc biệt, ông Bùi Đình Tuấn cũng chia sẻ, với các dự án kinh doanh hiện nay, ông theo đuổi triết lý kinh doanh phải đi đôi với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan, đồng thời góp phần bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, toàn bộ các công trình ở Yên Tử và Trung tâm văn hóa Trúc Lâm được xây dựng với nét văn hóa đặc trưng của Nhà Trần với chiều sâu 700 năm lịch sử nhưng vẫn giữ nguyên được cảnh quan và khu rừng nguyên sinh của quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Yên Tử. Công trình TTVH Trúc Lâm mà ông dày công tìm kiếm lựa chọn và theo đuổi đó chính là đi tìm cái “hồn Việt”, bản sắc văn hóa Việt. 
Về xu hướng phát triển tương lai, ông nhận định,trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng 4.0, việc kết hợp kinh doanh với công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc kết hợp kinh doanh và công nghệ 4.0 cùng với việc phải giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan, môi trường là điều rất khó và cần sự sáng tạo, nhanh nhạy của thế hệ trẻ hiện nay. 
Trong phần hỏi đáp với báo cáo viên, các học viên cao học đã thể hiện sự đặc biệt quan tâm, hứng thú với những chia sẻ, kinh nghiệm, lời khuyên của ông Bùi Đình Tuấn và cho rằng đó là những chia sẻ tuyệt vời, thực sự giúp ích cho công việc hiện tại của họ, giúp họ có được định hướng đúng đắn hơn cho các dự án kinh doanh, công việc trong tương lai. Các học viên còn mong muốn được gặp riêng báo cáo viên để trao đổi chuyên sâu hơn nữa và đánh giá cao tính thực tiễn của các chương trình đào tạo của Nhà trường.
 

TIN TỨC

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd